Lịch sử Tiếng Việt tại Hoa Kỳ

Số người 5 tuổi trở lên sử dụng tiếng Việt tại nhà
NămSố dân
19703.000
1980197.588
1990507.069
20001.009.627
20101.427.194
20191.559.855
Nguồn: [2][3][4][5]
Tân Dân thời-báo, một tờ báo cho người Việt tị nạn di tản đến Trại Chaffee sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ có lịch sử khá ngắn và gắn liền với sự hiện diện của người Việt tại đất nước này. Trước Thế chiến thứ hai, các ngôn ngữ Đông Nam Á dường như chưa được biết đến tại Hoa Kỳ. Lúc đó Đông Dương còn là thuộc địa của Pháp, nên tiếng Việt được chủ yếu các học giả Pháp nghiên cứu.[6] Đến thập niên 1950, các trường đại học như Cornell, Columbia, Yale, và Georgetown, cũng như Viện Dịch vụ Đối ngoại của Bộ Ngoại giao, đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy. Năm 1954, Trường Ngôn ngữ Lục quân (sau này đổi tên thành Học viện Ngôn ngữ Quốc phòng) bắt đầu giảng dạy tiếng Việt trong quân đội.[7]

Năm 1969, toàn bộ Hoa Kỳ chỉ có khoảng 3.000 người Việt, trong đó có vợ của các quân nhân từng phục vụ tại Việt Nam. Khi tình hình chiến tranh tại Việt Nam càng xấu đi, con số người Việt tăng dần. Đầu thập niên 1970 có khoảng 15.000 người Việt và đến đầu năm 1975 con số này đã tăng đến 30.000. Sau Chiến dịch Cuộc sống mới, số người Việt tại Hoa Kỳ tăng vọt.[8]

Năm 1978, nhật báo Việt ngữ đầu tiên tại Hoa Kỳ, tờ Người Việt, bắt đầu xuất bản tại Quận Cam, California. Tờ báo góp phần đưa tin tức về quê nhà cho cộng đồng người tị nạn, cũng như chuẩn bị họ cho cuộc sống mới tại Hoa Kỳ.[9]

Từ năm 1980, tiếng Việt có khoảng 200.000 người sử dụng và là ngôn ngữ phổ biến thứ 14 tại Mỹ. Từ 1980 đến 2010, tiếng Việt là ngôn ngữ phát triển nhanh nhất tại Hoa Kỳ, tăng gấp 7 lần.[10] Đến năm 2010, tiếng Việt đã vượt qua nhiều ngôn ngữ khác để đứng vị trí thứ 6 (sau tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung, tiếng Pháp, và tiếng Tagalog).[11]

Đầu thế kỷ 21, tiếng Việt bắt đầu có dấu hiệu mai một trong các thế hệ sau, sinh ra và lớn lên tại nước Mỹ và ít có mối quan hệ với Việt Nam. Tiếng Việt được tiếp tục duy trì trong những người mới nhập cư trong khi hơn 90% người Việt thế hệ ba ở Mỹ chỉ nói tiếng Anh. Tuy nhiên, chỉ 20% người Mỹ gốc Việt ở thế hệ thứ hai hoàn toàn sử dụng tiếng Anh, so với 46,8% trong thế hệ thứ nhất, cho thấy có một số nỗ lực để duy trì tiếng Việt trong cộng đồng.[12] Ngoài ra, người Việt tại Hoa Kỳ cũng cố gắng đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy tại trường công để con em họ không quên ngôn ngữ của tổ tiên.[13][14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tiếng Việt tại Hoa Kỳ http://www.kvue.com/news/education/aisd-vietnamese... http://www.nytimes.com/2012/10/19/us/politics/more... http://viendongdaily.com/dai-vnatv-573-co-them-2-b... http://viethocjournal.com/2020/07/ngon-ngu-nguoi-v... http://www.seasite.niu.edu/jsealt/Vol12Fall2006/Ar... http://www.bsa.ca.gov/pdfs/reports/2010-106.pdf#pa... //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32750283 //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7893523 http://web.archive.org/web/20210507092049/https://... //doi.org/10.1044%2F2019_AJSLP-19-00146